Gỗ Việt Nam đang phát triển rất nhanh trong những năm gần đây, với công nghệ tiên tiến nhập khẩu và bàn tay khéo léo của người việt đã giúp các sản phẩm gỗ của chúng ta ngày càng hoàn thiện và tinh xảo. Tham vọng vươn ra thế giới của Việt Nam là mục tiêu hoàn toàn có thể thực hiện được khi chúng ta quyết tâm và cố gắng hết mình.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2018, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt 9,38 tỷ USD, chiếm hơn 23% kim ngạch xuất khẩu của cả ngành nông nghiệp. Ngành gỗ ghi nhận mức thặng dư thương mại lên tới 7 tỷ USD. Hoạt động chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản của nước ta đã được cải thiện về quy mô, số lượng
và chất lượng sản xuất trong những năm gần đây.
Doanh nghiệp gỗ Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 95%. Các loại gỗ và hàng lâm sản khai thác và chế biến tại Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 4 trong các mặt hàng xuất khẩu lớn chỉ sau cà phê, thủy sản và máy móc, thuộc top 10 các quốc gia xuất khẩu sản phẩm gỗ trên thế giới và giữ vững vị trí thứ nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Với nguồn tài nguyên rừng phong phú, việc phấn đấu để đạt được thị phần cao hơn trên các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gỗ của nước ta là hoàn toàn có khả năng cao trong thời gian tới. Trong năm 2019 tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề ra định hướng đưa năng lực xuất khẩu gỗ vượt qua mức 11 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2018 và đến năm 2030 sẽ đạt kỳ vọng chiếm thị phần từ 30% đến 50% thị trường gỗ toàn cầu.
Đây được coi là một tham vọng lớn đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ của Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á. Các thị trường xuất khẩu gỗ chủ lực của Việt Nam phải kể đến Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Anh. Đây cũng là những quốc gia có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm gỗ hàng đầu thế giới, do đó, dư địa cho ngành gỗ Việt Nam phát triển vẫn còn rất lớn.
Điểm mạnh nổi trội
Chúng ta có những điểm mạnh nổi trội đưa sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam vương lên trên thị trường quốc tế như nguồn tài nguyên xanh và sạch phong phú, các chính sách của Nhà nước hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển, có định hướng về sự liên kết hợp tác giữa công ty chế biến và người trồng rừng, cũng như những phát triển về tính thẩm mỹ trong sản phẩm, đặc biệt trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Những điểm mạnh này giúp gỗ Việt Nam có được chỗ đứng vững chắc tại các thị trường xuất khẩu trên thế giới. Hiện kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu và phấn đấu đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 11 tỷ USD trong năm nay.
Những khó khăn
Tuy nhiên, những khó khăn mà ngành gỗ Việt Nam còn phải đối mặt, điển hình là tình trạng nguồn gỗ nguyên liệu không “sach”, hay còn gọi là gỗ lậu, gỗ nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam bất hợp pháp. Điều này khiến cho gỗ Việt Nam sẽ gặp phải những rào cản thương mại và tự vệ khi nước ta tham gia ký kết các hiệp định thương mại tư do với các quốc gia
và khu vực khác trên thế giới.
Những hiệp định thương mại tự do nổi bật như CPTPP và EVFTA, trong đó đã đưa các mức thuế nhập khẩu gỗ từ Việt Nam vào thị trường các nước CPTPP và châu Âu xuống mức 0%, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tiếp cận các thị trường có nhu cầu gỗ cao nhưng khó tính trong khâu kiểm duyệt.
Tận dụng cơ hội
Vì vậy, để tận dụng được những cơ hội này, doanh nghiệp gỗ Việt Nam hơn ai hết phải hiểu rõ các quy định về nguồn cung nguyên liệu, chế biến, sản xuất và đáp ứng các yêu cầu về
xuất xứ trước khi đưa sản phẩm gỗ Việt Nam ra thị trường toàn cầu.
Không chỉ tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, chiến tranh thương mại bùng nổ hiện nay cũng đang trở thành một cơ hội hiếm có cho cả ngành xuất khẩu của Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp gỗ nói riêng.
Theo Hiệp hội Gỗ cứng Trang trí Hoa Kỳ, hoạt động nhập khẩu gỗ ván ép công nghiệp từ Việt Nam và Indonesia đã tăng nhanh trong khi nhập khẩu loại gỗ này từ Trung Quốc đã giảm 50.000 đến 100.000 mét khối mỗi tháng từ khi chiến tranh thương mại nổ ra.
Khối lượng gỗ ván ép nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm 55,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 129,3 triệu USD. Khối lượng xuất khẩu gỗ ván ép công nghiệp của Việt Nam đã tăng thêm đến 25.000 mét khối mỗi tháng, tăng 199% lên mức 113.000 mét khối với giá trị nhập khẩu tăng vọt lên mức 70,4 triệu USD, tuy nhiên giá thành sản phẩm lại giảm xuống mức thấp nhất tại thị trường nhập khẩu này.
Công ty có đầu tư nước ngoài
Hiện nay có khoảng 867 công ty có đầu tư nước ngoài trực tiếp hoạt động trong ngành gỗ tại Việt Nam, với tổng số vốn khoảng 5,5 tỷ USD, và hơn 63% trong số các doanh nghiệp này nhận hỗ trợ bởi các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong khi căng thẳng Mỹ – Trung vẫn chưa có hồi kết, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam vẫn đang tận dụng hết nguồn lực để gia tăng sản xuất và xuất khẩu nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung trên thị trường gỗ toàn cầu.